ASEAN chung tay loại bỏ rác thải nhựa ở biển, chống ô nhiễm chất dẻo biểnNhằm tăng cường nhận thức về ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với đại dương, tại Jakarta, Bộ Ngoại giao Indonesia, Đại sứ quán Đức và Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn Quản lý ô nhiễm chất dẻo biển: Các sáng kiến và chính sách ở các nước ASEAN.
Tham dự diễn đàn có trên 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu thuộc các trung tâm nghiên cứu ở các nước Đông Nam Á; cán bộ một số bộ, ngành của Indonesia, Ban Thư ký ASEAN, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các Đại sứ quán Na Uy, Đức…
Diễn đàn nhằm thảo luận về thực trạng và xu hướng tác động của rác thải nhựa đối với đại dương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và các dự án, các sáng kiến có liên quan được thực hiện ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, tạo điều kiện cho việc hoạch định chính sách hiệu quả cấp khu vực, quốc gia và địa phương nhằm hướng tới giảm thiểu ô nhiễm biển ở Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó trưởng Phái đoàn Đức tại ASEAN Hendrik Barkeling cảnh báo trong những thập kỷ tới, lượng chất thải nhựa chuyển từ đất sang biển sẽ tăng lên nếu các nền kinh tế và dân cư ven biển tiếp tục mở rộng mà không thực hiện các biện pháp quản lý rác thải đô thị. Điều đó cùng với việc tăng dân số tại các vùng ven biển, phát triển kinh tế và sử dụng chất dẻo, dự báo số lượng rác thải nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025.
Theo Thứ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải Indonesia Arif Havas, vấn đề ô nhiễm môi trường biển hiện nay rất đáng báo động. Đã có nhiều hội thảo quốc tế tại Indonesia về vấn đề này nhằm góp phần nâng cao ý thức của con người trong bảo vệ, giữ gìn môi trường biển.
Ông Arif Havas cho biết, Chính phủ Indonesia đang tích cực chỉ đạo các bộ, ban ngành, chính quyền các địa phương để ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường biển, đặc biệt nước này sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển.
Phó trưởng Phái đoàn Na Uy tại ASEAN Hilde Solbakken đánh giá cao việc tổ chức sự kiện này vì chủ đề ô nhiễm môi trường biển đang được thế giới rất quan tâm. Bà Solbakken cho biết đối với Na Uy, rác thải nhựa là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến ngành ngư nghiệp. Theo bà, một trong những trọng tâm của Chính phủ Na Uy hiện nay là làm cách nào để bảo vệ môi trường biển, trong đó điều đầu tiên là hạn chế thải các loại rác thải nhựa vào đại dương và tiếp đó là tìm biện pháp để khôi phục, làm sạch môi trường biển. Hiện tại, Na Uy đã thực hiện được gần 80% khối lượng công việc và điều đó góp phần làm tăng uy tín, chất lượng đối với các sản phẩm hải sản xuất khẩu của nước này.
Thực tế là hiện nay, đại dương đang trở thành "bồn chứa chất thải" từ các nguồn tài nguyên trên đất liền, trong khi nó vẫn là nguồn sinh kế trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu người dân bằng cách cung cấp thực phẩm, điều tiết các điều kiện khí hậu và duy trì sự cân bằng sinh thái biển và ven biển.
ASEAN có tổng độ dài đường bờ biển lên tới 173.000 km với sản lượng cá biển chiếm 14% tổng sản lượng của thế giới theo số liệu năm 1998, sở hữu 35% rừng ngập mặn trên thế giới và khoảng 30% rạn san hô. Các nguồn tài nguyên ven biển và biển cung cấp các dịch vụ sinh thái, kinh tế và xã hội thiết yếu trong khu vực ASEAN.